Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh (cũng gọi với tên khác là Văn Chiêu Hồn) là một bài văn khấn tế, đề cập đến xã hội hồn ma một cách thảm thương nhất. Đó là hình ảnh lộn trái của xã hội trần thế, song khác biệt cơ bản ở chỗ không có đối lập giàu nghèo, sang hèn. Chúng sinh ai cũng như ai cùng chịu cảnh đọa đày, oan khuất và cô đơn nên nhà thơ xót thương tất cả…
Giới thiệu và xuất xứ của văn tế thập loại chúng sinh
Văn tế thập loại chúng sinh là một tác phẩm xuất sắc và vô cùng nổi tiếng của Đại thi hào dân tộc – Nguyễn Du. Tác phẩm là một bài văn tế được viết bằng chữ Nôm. Ngoài cái tên văn tế thập loại chúng sinh thì tác phẩm còn được gọi là văn tế chiêu hồn hay văn chiêu hồn.
Thời gian ra đời của tác phẩm chưa được xác định chính xác mà chỉ biết là nó được biên soạn trong những năm đầu thế kỷ 19. Theo như văn bản do Đàm Quang Thiện hiệu chú thì Đại thi hào Nguyễn Du đã sáng tác bài này sau khi chứng kiến những hậu quả mà mùa dịch khủng khiếp đã gây ra.
Mùa dịch đã khiến cho hàng triệu người chết. Khắp một miền núi sông là khung cảnh hoang tàn, âm khí nặng nề. Tại các chùa chiền đều lập đàn để cầu siêu cho các linh hồn đã bỏ mạng vì bệnh dịch.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Hoàng Xuân Hãn thì ông cho rằng văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du sáng tác trước cả khi tác phẩm Truyện Kiều ra đời.
>>> Có thể bạn cần: Dịch vụ mâm cúng cô hồn trọn gói
Chủ đề và bố cục của văn tế thập loại chúng sinh
Chủ đề của bài văn tế thập loại chúng sinh Nguyễn Du, xuyên suốt tác phẩm đều tập trung đề cập tới một xã hội hồn ma vô cùng thảm thương, đau khổ. Đây là một hình ảnh lộn trái của xã hội trần thế ở thời điểm bấy giờ.
Tuy nhiên, nội dung tác phẩm có sự khác biệt ở chỗ không thể hiện sự sang hèn, đối lập giàu nghèo. Tất cả chúng sinh trên nhân loại ai cũng đều giống nhau, họ phải sống trong cảnh đọa đày, oan khuất và cô đơn. Bởi thế, ai cũng đều vô cùng đáng thương.
Tác phẩm văn cúng cô hồn thập loại chúng sinh được Đại thi hào Nguyễn Du viết theo thể thơ song thất lục bát với tổng cộng 184 câu thơ được viết hoàn toàn bằng chữ Nôm. Bố cục của tác phẩm theo các nhà nghiên cứu, phê bình văn học cho biết có thể chia làm 4 phần, gồm:
- Phần 1: Gồm 20 câu thơ đầu tiên. Nội dung của 20 câu thơ này đều miêu tả về khung cảnh của một buổi chiều mùa thu tháng 7. Khung cảnh ấy có mưa dầm buồn bã khiến cho Nguyễn Du phải cảm thấy chạnh lòng và thương cho những chúng sinh đang sống trong cảnh bơ vơ, lạnh lẽo tại cõi âm mà lập đàn cầu siêu
- Phần 2: Gồm 116 câu thơ tiếp theo được tác giả chỉ đích danh những nguyên nhân khiến cho mười loại Cô Hồn phải thiệt mạng
- Phần 3: Gồm 20 câu thơ tiếp theo được Đại thi hào miêu tả một cách cụ thể về cuộc sống đau buồn, thê lương của những Cô hồn
- Phần cuối: Gồm 28 câu thơ còn lại của bài văn chiêu hồn của nguyễn du. Nội dung của 28 câu thơ cuối cùng trong tác phẩm này chính là lời cầu xin phép Phật nhiệm màu có thể giúp cho những Cô Hồn này được giải thoát và mời họ tới nhận phần lễ cúng siêu độ
Trích bài “Bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” – Nguyễn Du
Dưới đây là một vài trích đoạn trong tác phẩm “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” – Nguyễn Du:
“Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô,
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng.
5. Đường bạch dương bóng chiều man mác,
Ngọn đường lê lác đác sương sa,
Lòng nào là chẳng thiết tha,
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.
Trong trường dạ tối tăm trời đất,
10. Có khôn thiêng phảng phất u minh,
Thương thay thập loại chúng sinh,
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.
Hương khói đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa đêm đen,
15. Còn chi ai quí ai hèn,
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu?
Tiết đầu thu lập đàn giải thoát,
Nước tĩnh bình rưới hạt dương chi,
Muôn nhờ đức Phật từ bi,
20. Giải oan, cứu khổ, hồn về tây phương.
Cũng có kẻ tính đường kiêu hãnh,
Chí những lăm cướp gánh non sông,
Nói chi những buổi tranh hùng,
Tưởng khi thế khuất vận cùng mà đau.
25. Bỗng phút đâu mưa sa ngói lở,
Khôn đem mình làm đứa sất phu,
Lớn sang giàu nặng oán thù,
Máu tươi lai láng, xương khô rã rời.
Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc,
30. Quỷ không đầu than khóc đêm mưa
Cho hay thành bại là cơ
Mà cô hồn biết bao giờ cho tan!
Cũng có kẻ màn lan trướng huệ,
Những cậy mình cung quế Hằng Nga,
35. Một phen thay đổi sơn hà,
Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?
Trên lầu cao dưới cầu nước chảy
Phận đã đành trâm gãy bình rơi,
Khi sao đông đúc vui cười,
40. Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương.
Đau đớn nhẽ không hương không khói,
Luống ngẩn ngơ dòng suối rừng sim.
Thương thay chân yếu tay mềm Càng năm càng héo, một đêm một rầu.
45. Kìa những kẻ mũ cao áo rộng,
Ngọn bút son thác sống ở tay,
Kinh luân găm một túi đầy,
Đã đêm Quản Cát lại ngày Y Chu.
Thịnh mãn lắm oán thù càng lắm,
50. Trăm loài ma mồ nấm chung quanh,
Nghìn vàng khôn đổi được mình,
Lầu ca, viện hát, tan tành còn đâu?
Kẻ thân thích vắng sau vắng trước,
Biết lấy ai bát nước nén nhang?
55. Cô hồn thất thểu dọc ngang,
Nặng oan khôn nhẽ tìm đường hoá sinh.
Kìa những kẻ bài binh bố trận
Đem mình vào cướp ấn nguyên nhung.
Gió mưa sấm sét đùng đùng,
60. Dãi thây trăm họ nên công một người.
Khi thất thế tên rơi đạn lạc,
Bãi sa trường thịt nát máu rơi,
Bơ vơ góc bể chân trời,
Nắm xương vô chủ biết vùi nơi nao?
65. Trời thăm thẳm mưa gào gió thét,
Khí âm huyền mờ mịt trước sau,
Ngàn mây nội cỏ rầu rầu,
Nào đâu điếu tế, nào đâu chưng thường?
Cũng có kẻ tính đường trí phú,
70. Mình làm mình nhịn ngủ kém ăn,
Ruột rà không kẻ chí thân,
Dẫu làm nên để dành phần cho ai?
Khi nằm xuống không người nhắn nhủ,
Của phù du dẫu có như không,
75. Sống thời tiền chảy bạc ròng,
Thác không đem được một đồng nào đi.
Khóc ma mướn, thương gì hàng xóm,
Hòm gỗ đa bó đóm đưa đêm,
Ngẩn ngơ trong quảng đồng chiêm,
80. Nén hương giọt nước, biết tìm vào đâu?
Cũng có kẻ rắp cầu chữ quý
Dấn mình vào thành thị lân la,
Mấy thu lìa cửa lìa nhà,
Văn chương đã chắc đâu mà trí thân?
85. Dọc hàng quán phải tuần mưa nắng,
Vợ con nào nuôi nấng khem kiêng,
Vội vàng liệm sấp chôn nghiêng,
Anh em thiên hạ láng giềng người dưng.
Bóng phần tử xa chừng hương khúc,
90. Bãi tha ma kẻ dọc người ngang,
Cô hồn nhờ gửi tha phương,
Gió trăng hiu hắt, lửa hương lạnh lùng.
Cũng có kẻ vào sông ra bể,
Cánh buồm mây chạy xế gió đông.
95. Gặp cơn giông tố giữa dòng,
Đem thân vùi rấp vào lòng kình nghê.
Cũng có kẻ đi về buôn bán,
Đòn gánh tre chín dạn hai vai,
Gặp cơn mưa nắng giữa trời,
100. Hồn đường phách sá lạc loài nơi nao?
Cũng có kẻ mắc vào khoá lính,
Bỏ cửa nhà đi gánh việc quan,
Nước khe cơm ống gian nan,
Dãi dầu nghìn dặm lầm than một đời.
105. Buổi chiến trận mạng người như rác,
Phận đã đành đạn lạc tên rơi.
Lập loè ngọn lửa ma trơi,
Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương.
Cũng có kẻ nhỡ nhàng một kiếp,
110. Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa,
Ngẩn ngơ khi trở về già,
Đâu chồng con tá biết là cậy ai?
Sống đã chịu một đời phiền não
Thác lại nhờ hớp cháo lá đa,
115. Đau đớn thay phận đàn bà,
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?
Cũng có kẻ nằm cầu gối đất,
Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi,
Thương thay cũng một kiếp người,
120. Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan!
Cũng có kẻ mắc oan tù rạc
Gửi mình vào chiếu rách một manh.
Nắm xương chôn rấp góc thành,
Kiếp nào cởi được oan tình ấy đi?
125. Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé,
Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha.
Lấy ai bồng bế vào ra,
U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng.
Kìa những kẻ chìm sông lạc suối,
130. Cũng có người sẩy cối sa cây,
Có người leo giếng đứt dây,
Người trôi nước lũ kẻ lây lửa thành.
Người thì mắc sơn tinh thuỷ quái
Người thì sa nanh sói ngà voi,
135. Có người hay đẻ không nuôi,
Có người sa sẩy, có người khốn thương.
Gặp phải lúc đi đường lỡ bước
Cầu Nại Hà kẻ trước người sau
Mỗi người một nghiệp khác nhau
140. Hồn xiêu phách tán biết đâu bây giờ?
Hoặc là ẩn ngang bờ dọc bụi,
Hoặc là nương ngọn suối chân mây,
Hoặc là bụi cỏ bóng cây,
Hoặc nơi quán nọ cầu này bơ vơ.
145. Hoặc là nương thần từ, Phật tự
Hoặc là nơi đầu chợ cuối sông
Hoặc là trong quãng đồng không,
Hoặc nơi gò đống, hoặc vùng lau tre.
Sống đã chịu nhiều bề thảm thiết,
150. Gan héo khô dạ rét căm căm,
Dãi dầu trong mấy mươi năm,
Thở than dưới đất, ăn nằm trên sương.
Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn,
Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra,
155. Lôi thôi bồng trẻ dắt già,
Có khôn thiêng nhẽ lại mà nghe kinh.
Nhờ phép Phật siêu sinh tịnh độ,
Phóng hào quang cứu khổ độ u,
Rắp hoà tứ hải quần chu,
160. Não phiền rũ sạch, oán thù rửa không.
Nhờ đức Phật thần thông quảng đại,
Chuyển pháp luân tam giới thập phương,
Nhơn nhơn Tiêu Diện đại vương,
Linh kỳ một lá dẫn đường chúng sinh.
165. Nhờ phép Phật uy linh dũng mãnh,
Trong giấc mê khua tỉnh chiêm bao,
Mười loài là những loài nào?
Gái trai già trẻ đều vào nghe kinh.
Kiếp phù sinh như hình bào ảnh,
170. Có chữ rằng: “Vạn cảnh giai không”
Ai ơi lấy Phật làm lòng,
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi.
Đàn chẩn tế vâng lời Phật giáo,
Của có chi bát cháo nén nhang,
175. Gọi là manh áo thoi vàng,
Giúp cho làm của ăn đường thăng thiên.
Ai đến đây dưới trên ngồi lại,
Của làm duyên chớ ngại bao nhiêu.
Phép thiêng biến ít thành nhiều,
180. Trên nhờ Tôn Giả chia đều chúng sinh.
Phật hữu tình từ bi phổ độ
Chớ ngại rằng có có không không.
Nam mô Phật, nam mô Pháp, nam mô Tăng
Độ cho nhất thiết siêu thăng thượng đài.”
Tham khảo văn cúng cô hồn thập loại chúng sinh hàng ngày
Bài văn cúng cô hồn 1
“Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).
Con lạy chín phương trời, mười phương chư phật, chư phật mười phương.
Con lạy Đức Phật Di Đà
Con lạy Bồ Tát Quan m.
Con lạy Táo Phủ Thần quân Chinh thần.
Tiết tháng 7 sắp thu phân
Ngày rằm xá tội vong nhân hải hà
Âm cung mở cửa ngục ra
Vong linh không cửa không nhà
Đại Thánh Khảo giáo – A Nan Đà Tôn giả
Tiếp chúng sinh không mả, không mồ bốn phương
Gốc cây xó chợ đầu đường
Không nơi nương tựa đêm ngày lang thang
Quanh năm đói rét cơ hàn
Không manh áo mỏng – che làn heo may
Cô hồn năm bắc đông tây
Trẻ già trai gái về đây hợp đoàn
Nay nghe tín chủ thỉnh mời
Lai lâm nhận hưởng mọi lời trước sau
Cơm canh cháo nẻ trầu cau
Tiền vàng quần áo đủ màu đỏ xanh
Gạo muối quả thực hoa đăng
Mang theo một chút để dành ngày mai
Phù hộ tín chủ lộc tài
An khang thịnh vượng hòa hài gia trung
Nhớ ngày xá tội vong nhân
Lại về tín chủ thành tâm thỉnh mời
Bây giờ nhận hưởng xong rồi
Dắt nhau già trẻ về nơi âm phần
Tín chủ thiêu hóa kim ngân
Cùng với quần áo đã được phân chia
Kính cáo Tôn thần
Chứng minh công đức
Cho tín chủ con
Tên là:………………………………
Vợ/Chồng:…………………………
Con trai:……………………………
Con gái:……………………………
Ngụ tại:……………………………”
Bài văn cúng cô hồn 2
“Kính lễ mười phương Tam bảo chứng minh
Hôm nay ngày………….Chúng con tên…………
Ở tại số nhà…………………………………………
Phát lòng thành tịnh, thiết lập đạo tràng, bày tiệc cam lồ, Kỳ an gia trạch, Kỳ an bổn mạng. Nhờ ơn tế độ, thêm sự phước duyên, nguyện xin gia đình yên ổn,thuận lợi bán zbuôn, dòng họ quy hướng đạo mầu, con cháu học hành tinh tiến, nguyện cầu thế giới hòa bình ,nhơn sanh phước lạc.
Kính thỉnh:
Cô hồn xuất tại côn lôn
Ở tam kì nghiệp,cô hồn vô số
Những là mãn giả hằng hà
Đàn ông,đàn bà,già trẻ lớn nhỏ
Ôi! Âm linh ơi,cô hồn hỡi
Sống đã chịu một đời phiền não
Chết lại nhờ hớp cháo lá đa
Thương thay cũng phận người ta
Kiếp sinh ra thế,biết là tại đâu
Đàn cúng thí vâng lời phật dạy
Của có chi,bát nước nén nhang
Cũng là manh áo thoi vàng
Giúp cho làm của ăn đàng thăng thiên
Ai đến đây dưới trên ngồi lại
Của làm duyên chớ ngại bao nhiêu
Phép thiêng biến ít thành nhiều
Trên nhờ tôn giả chia đều chúng sanh
Phật hữu tình từ bi tế độ
Chớ ngại rằng có có không không
Nam mô Phật,Nam mô Pháp,Nam mô Tăng
Độ cho nhứt thiết siêu thăng thượng đài.
Chân ngôn biến thực: Nam mô tát phạt đát tha nga đa,phà lồ chí đế án tam bạt ra,tam bạt ra hồng (3 lần)
Chân ngôn cúng dường: Án nga nga nẵng tam bà phạt phiệt nhựt ra hồng (3 lần).”
Tổng kết
Trên này là tổng hợp đầy đủ văn tế thập đại chúng sinh đầy đủ và chi tiết nhất, cùng với văn cúng cô hồn hàng năm. Công Ty Đồ Cúng Tâm Linh hy vọng đã mang đến bài viết đầy đủ, giúp bạn hiểu được văn tế thập đại chúng sinh là như thế nào.